Sự thật nghề Sushi “tháng kiếm 50 củ” tại Đức



Chung và Truyền đều mang khát vọng làm giàu khi đặt chân lên đất Đức. Cả hai lựa chọn nghề Sushi để nuôi ước mơ cho riêng mình.

Frankfurt am Main nổi tiếng với sân bay lớn nhất châu Âu và là thành phố giàu bậc nhất Lục Địa Già. Nơi đây thu hút khách du lịch trên khắp thế giới với dòng sông Main thơ mộng chảy qua. Bởi thế, không khó hiểu khi Frankfurt trở thành điểm đến của nhiều bạn trẻ Việt Nam với khát vọng làm giàu nơi trời Tây.

Truyền là thợ Sushi lâu năm tại Đức

Chúng tôi có dịp ghé thăm một quán Sushi của người Việt tại một trong những khu phố sầm uất ngay trung tâm thành phố. Cùng trò chuyện với 2 bạn trẻ đến từ Nghệ An, chúng tôi phần nào hiểu được cuộc sống của những người con xa xứ.

Truyền, thợ Sushi chính của quán đến từ Diễn Châu tâm sự: “Em cảm thấy mình may mắn hơn rất nhiều so với các bạn cùng chuyến vì tìm được công việc ngay khi đặt chân tới Đức”. Chàng trai 27 tuổi với mái tóc “hoa râm” chia sẻ, thời điểm dịch bệnh như lúc này vô cùng khó khăn. Nhiều người thất nghiệp, ngay cả tiền ăn cũng không có.

Nói về nước Đức, Truyền cho biết, người Việt sang đây chủ yếu theo đuổi 2 nghề chính, nail và bếp. Riêng về bếp cũng chia làm nhiều loại, đồ Tàu, đồ Ấn…các kiểu. Nhưng mọi người hay phân biệt đồ nóng và Sushi là chủ yếu.

Chàng trai trẻ Nguyễn Chung sang Đức với khát vọng làm giàu

Theo Truyền, nghề Sushi đỡ vất vả, đồng lương cũng cao hơn nên được nhiều bạn trẻ lựa chọn. Nhưng không phải ai muốn học cũng được.
“Bạn em có những người phụ bếp nóng, khi rảnh thì mon men sang xin học Sushi mà họ giấu nghề lắm. Nhiều khi, muốn chiên con tôm cho thợ cũng không được, chứ đừng nói tới chuyện tự tay học quấn”, Truyền tâm sự.

Cuộc sống trời Tây có như mơ?

Nguyễn Chung, phụ Sushi kiêm shipper của quán là người rất vui tính. Chàng trai trẻ tỏ ra cởi mở khi tiếp xúc với nhóm PV.

Chung khoe, bản thân không tưởng tượng được có ngày mình lại kiếm cả mấy chục triệu một tháng như vậy. Ở quê, Chung từng trải qua nhiều nghề, từ giúp đám cưới, thợ xây cho đến thợ trồng Điều. Nhưng đồng lương ít ỏi không đủ níu chân chàng trai trẻ ở lại quê nhà.

“Bên này làm việc vất vả, nhưng bù lại đồng lương xứng đáng. Người Việt bây giờ sang đây nhiều nên hơi khó làm ăn. Nhưng em nghĩ, nếu biết trau dồi nghề nghiệp và ngoại ngữ thì vẫn luôn có chỗ đứng”, Chung chia sẻ.

Làm việc bên Đức đòi hỏi tính kỷ luật cao, nhưng đồng lương cũng tương xức với sức mình bỏ ra

Nhưng bên cạnh những đồng Euro lóng lánh là nỗi niềm của người xa xứ. Cả hai tâm sự, cuộc sống xa nhà cô đơn hơn mình nghĩ.

“Nếu ở Việt Nam, mọi người có thể tụ tập bất cứ lúc nào. Dịp cuối tuần còn cà kê đến tận khuya, thích thì tăng hai tăng ba. Bên này ngày nghỉ chẳng biết đi chơi đâu, vì mỗi người nghỉ một ngày khác nhau”, Truyền không giấu được nỗi thất vọng.

Ngay như Chung, một chàng trai vui tính hướng ngoại cũng chung nỗi niềm. “Ở đây bọn em chẳng biết chơi với ai. Thú vui lớn nhất là thức đêm chơi game, có hôm tới tận ba bốn giờ sáng. Tìm được người Việt để nói chuyện đã khó, chứ chưa tính chuyện có bạn gái. Xa xỉ lắm!”, cậu bạn cười híp mắt.

Tương lai nghề Sushi tại Đức

Giữa lúc nước Đức và châu Âu đang gồng mình chống chọi với đợt dịch Covid-19 thứ 2, quán của Chung và Truyền vẫn ăn nên làm ra. Nhưng không phải ai cũng may mắn như vậy.

Không khó để bắt gặp những status kiểu này trong mùa dịch tại Đức

Dạo quanh các diễn đàn Người Việt Tại Đức dễ thấy nhiều chủ tiệm nail, quán ăn than vãn vì vắng khách. Có tiệm còn phải cho nhân viên nghỉ, hoặc chuyển từ lương tháng sang ăn chia.

“Quán bọn em vẫn duy trì lượng khách đều. Đó là nhờ cách làm linh hoạt trong mùa dịch. Quán free ship nội thành nên lượng người đặt online rất cao”, Truyền chia sẻ.

Nói về tương lai nghề Sushi, cả hai bạn trẻ đều nhận định đây vẫn sẽ là nghề “hot” trong nhiều năm tới.
“Người Đức rất chuộng Sushi. Trong khi các món như đồ Ấn, Thái, Tàu hay Việt đều nở rộ một thời gian rồi thoái trào nhường chỗ cho các món mới thì Sushi vẫn giữ chỗ đứng trong làng ẩm thực Đức. Người Đức ăn uống rất khoa học và họ nhận thấy Sushi là món ăn rất có lợi cho sức khỏe. Ít chiên rán dầu mỡ, toàn đồ tươi nên giữ được giá trị dinh dưỡng. Vì thế em tin chắc nghề Sushi không thể thoái trào được”, Truyền khẳng định.

Truyền tỏ ra lạc quan về tương lai của nghề Sushi tại Đức

Chung lại có góc nhìn khác. “Em thấy nghề nào cũng vậy, cần có cái tâm của nghề và hướng đi, cách làm đúng đắn. Ngày càng có nhiều người tham gia vào thị trường Sushi nên tính cạnh tranh cao. Như nghề nail vậy, một thời hoàng kim, giờ người Việt tự diệt người Việt khi kéo giá trần xuống thấp. Em nghĩ sẽ tới lúc nghề Sushi bão hòa. Lúc đó, chỉ những người làm ăn chân chính và có tầm nhìn mới trụ lại được”, bạn Chung nhận định.

Nghề Sushi kiếm tháng 50 triệu?

Khi được hỏi, liệu lương thợ Sushi có được 50 triệu một tháng như người ta đồn không, cả Truyền và Chung đều khẳng định là có.

Theo Chung, Sushi là nghề được trả lương cao tại Đức

“Nhưng để đạt tới mức lương đó, thợ phải có kinh nghiệm ít nhất 2 năm trở lên. Họ phải bao quát hết công việc trong quán, chủ động sắp xếp mọi thứ kể cả khi không có chủ. Làm Sushi không khó, cái khó nằm ở chỗ anh có cái nhìn tổng quan không, cần sắp xếp đầu công việc hợp lý, đảm bảo nguyên liệu cần bao nhiêu, đủ dùng trong bao lâu…”, Truyền chia sẻ.

Cả hai khuyên những bạn trẻ mới sang nên chịu khó học cho mình một nghề ổn định, đừng hy vọng “tay không bắt giặc” mà có mức lương năm sáu chục củ. Phải có làm thì mới có ăn, không làm mà đòi ăn thì…

Bên cạnh đó, Chung và Truyền không quên nhắc nhở về những cám dỗ nơi đất khách.

“Sang đây, nhiều người dù lương cả nghìn Euro mà không gửi về nhà được đồng nào. Người thì chơi tít tít, cá độ bóng đá, người thì ném tiền vào những cuộc vui thâu đêm. Mấy nghìn đổi sang tiền Việt thấy to, chứ tiêu bên này mấy chốc mà hết. Quan trọng là mình có giữ được tiền hay không thôi”, hai bạn trẻ thành thật chia sẻ.